Từ ngày xuống Sài Gòn học đại học, mấy ngày lễ hơi xa xỉ với tui, vì nó không khác ngày thường là mấy, hoặc cũng có thể là cúp học nhiều quá, nên ngày nào cũng là ngày lễ. Đợt này đang mùa covid, ở nhà gần 4 tháng rồi, tình cờ có người hỏi Trung Thu ở quê thì ra sao, tui mới có dịp hồi tưởng lại một số kỉ niệm đẹp về ngày này hồi nhỏ xíu ở trên Buôn Ma Thuột.

Lồng đèn ông sao

Ngày Trung Thu trên lịch ghi thường là dính vào 15.al, nhưng ba mẹ tui nói ngày 14 và các ngày trước đó mới vui nhất, 15 sẽ không nhộn nhịp bằng. Không khí trung thu tới báo hiệu bằng các khu Kinh Đô đỏ vàng cứ ngày càng nhiều trên các con đường, và không thể thiếu nhịp trống múa lân từ nhà đứa nhóc nào đó gõ vang vảng trong xóm. Tui từng đạp xe ra chợ đồ chơi hốt 1 2 cái trống về nhà để tu luyện. Một cái trống mini lúc đó tầm 10 – 15 ngàn, sẽ kèm theo 2 khúc gỗ vừa tay trẻ em. Cắc cắc tùng tùng tùng, giáo trình chỉ có ở trong trí nhớ và nghe có vẻ thuận tai thôi chứ hồi đó không có điện thoại hay máy tính gì để lên nghe thử cả.

Đêm trung thu mấy đứa nhóc sẽ chơi gì?

Lồng đèn. Chắc chắn rồi. Hồi 5 tuổi, ba sắm cho 2 anh em tui cái lồng đèn ngôi sao, làm bằng tre và giấy bóng kính và có cây đèn cầy đốt bên trong nửa, ban đêm đứa nào cầm cái này đi dạo thì coi như đẹp trai nhất bọn. Ký ức cuối cùng tui nhớ cái chiếc lồng đèn ông sao này là nó cháy co queo lại do đèn cầy ngả ra, lửa mà gặp ni lông thì phất thôi. Nhưng 1 2 năm sau, trưởng thành hơn, t chuyển sang xài lồng đèn bằng pin, cái thứ ko to bằng nhưng nó lại có âm thanh thú vị kèm theo và đặc biệt nó chỉ hết pin hoặc hư thôi chứ không có cháy được. Có năm tui còn mua nguyên hộp đèn cầy nhỏ nhiều màu về chơi, nhìn vậy mà vui phết. Không hiểu sao đợt đó ba mẹ cứ la tui, chơi đi coi chừng rồi cháy nhà.

Nhưng mà đó vẫn là thứ dành cho trẻ con, một đứa trưởng thành 8 tuổi đầu như tui sao có thể chơi lồng đèn mãi được. Tui bắt đầu quan sát các đàn anh đi trước xem họ làm gì để học hỏi theo. Và thú vui tiếp theo đó chính là vác đuốc lửa đón Trung thu. Vẫn như cũ, tui ra đạp xe ra chợ mua 2 cây đuốc, cho tui và anh tui hành tẩu đêm nay. Để đuốc cháy được, cần đổ dầu lửa vào cái khoang trên cùng, sau đó dùng 1 loại khăn mỏng nhét trên đầu. Khi nào dầu lửa thấm vào khăn thì lúc đó sẵn sàng lên đèn. Cứ cầm cây đuốc đi vòng vòng khắc xóm, cùng hiệp hội lồng đèn của con nít, hơi nguy hiểm nhưng sao lúc đó t thấy vui lắm.

Ngoài các trò phổ biến trên, còn có 1 trò chơi tui nghĩ đã thất truyền nhiều năm, tuy nhiên tui và nhiều người may mắn được chiêm nghiệm trò này. Vẫn như cũ, tui thấy mình ngày một trưởng thành, nên cần học để biết nhiều hơn. Với con mắt quan sát tinh tế, tui đã học được 1 trò thú vị, cần sự kiên trì mới có thành quả. Đó là trò “nấu đèn cầy trên nắp keng.” Trò này chỉ thực hiện được ngoài sân thoáng đãng.

Trò chơi nấu đèn cầy

Để thực hiện, cần có 2 viên gạch làm 2 giá đỡ 1 cái nắp keng, chừa khoảng trống đủ để nhét 1 chiếc đèn cầy đứng ở giữa để đốt. Cứ lần lần bỏ xác đèn cầy lên trên nắp keng cho chảy dần dần ra, chảy khi nào đầy nắp, cho nó sôi thì ngưng và cứ lặp lại như vậy. Lâu lâu có thể bỏ 1 vài hạt gạo sống vào để quan sát gạo biến thành cơm là như thế nào. Và sau khi ngồi chòm hỏm đun nấu 45p 1 tiếng thì sẽ bắt đầu chán, lúc này sẽ là lúc quyết định. Cầm 1 ca nước nhỏ, đổ thẳng vào cái nắp keng đang sôi đèn cầy đó. Vù, lửa sẽ bật cao lên cả mét rất đẹp mắt. Và sẽ không thiếu tiếng mắng cả ba mẹ kêu mày dẹp ngay đi. Ngọn lửa, dấu hiệu của 1 thành quả kiên trì, cũng là dấu hiệu đã tới lúc đi dọn dẹp đống chiến trường mà tụi tui đã bày ra.

Doanh nhân trẻ từ nhỏ

Có thể mọi người thắc mắc, sao mà hồi nhỏ cứ thích gì là tui phóng xe đi mua liền được vậy, tiền đâu ra. Nói tới tiền đâu thì đầu tiên bạn phải có chí lớn đã. Để tui kể cho bạn máu doanh nhân của tui bọc phát từ nhỏ. Hồi đó, Trung Thu thì sẽ có múa lân. Trên chỗ tui cách ngày 15 cả tuần 10 ngày là đã có múa lân rồi. Thông thường là đội lân tự phát chứ không phải chuyên nghiệp. Một đội lân tối thiểu sẽ gồm 1 con lân 2 người, 1 ông địa, 1 người gõ trống. Dàn lân đó sẽ đi múa ở ngoài đường hoặc vô nhà người dân. Và thông thường, người dân sẽ lì xì tiền sau khi con lân vào nhà mình múa. Lang thang theo nhiều đoàn lân trong khu vực, tui và các anh trong xóm cùng chí hướng phải làm gì đó cho đời.

Và thế là kế hoạch đầu tiên ra đời. Chúng ta sẽ gom góp tiền để mùa Trung Thu năm sau sẽ có 1 đội lân, chúng ta sẽ kiếm được tiền từ đó. Nhân lực không thiếu, cái thiếu là thiếu tiền, vậy chúng ta phải tích luỹ. Chi phí cho đầu lân, đầu ông địa, quần áo, trống… tất tần tật khoảng 1 triệu 2. Như vậy chia ra 4 đứa, mỗi đứa tầm 300k. Chúng ta sẽ dành giụm 1 năm là đủ. Tui mỗi ngày mẹ cho tiền ăn sáng, ăn tiết kiệm thì còn dư 1000. Như vậy tầm 10 tháng là có thể mua rồi. Anh em khác cũng vậy nhé. Sau khi mua sắm được chúng ta sẽ còn 1 tháng tập luyện và cố gắng mùa đầu tiên sẽ lấy lại vốn. Một kế hoạch thật rõ ràng từng bước. Ai ai cũng mang trong mình hình ảnh ngày Trung Thu tới, hình ảnh của đội lân xóm 114 (xóm tui ở số nhà là 114).

Và sau 3 ngày dành dụm, tui tui dẹp giấc mơ đó hẳn vì những bộn bề khác trong cuộc sống.

Dải ký ức đẹp

Vẫn là múa lân, nhưng lần này là tui cùng cả nhà ngồi trên xe máy, vòng quanh hết phố ngắm Trung Thu, hồi đó còn nhỏ nên 4 người ngồi chung 1 chiếc xe được. Những đoàn lân chuyên nghiệp khiến các con đường đầy nhộn nhịp bên tiếng trống. Tui còn nhớ có nhiều chủ tiệm thuê lân về diễn, họ treo phong thư trên lầu 3 lầu 4 và lân sẽ thực hiện màn trèo cao lên trên lấy. Rồi có đoàn thì đi một lúc 3 4 con lân, di chuyển trên một con xe tải, đi tới đâu, tiếng trốn vang lên tới đó và hàng xe máy chạy theo sau vì đơn giản, theo xe lân thì họ dừng đâu thì có múa lân ở đó. Lâu lâu sẽ bắt gặp được cảnh múa rồng. Đoàn múa rồng chắc phải 10 12 người, mỗi người 1 cán gắn trên thân rồng. Rồng múa càng uyển chuyển thì người trong đội phải càng phối hợp nhịp nhàng, ăn ý…

Trung thu ở quê tui là vậy đó. Thời gian trôi nên có nhiều trò chơi hiện tại bây giờ ít thấy nữa, nhưng có dịp nào đó về quê, tui sẽ đào tạo lại mấy đứa em một vài bí kíp chân truyền trên để nó không bị mai một theo năm tháng.

Có lẽ năm sau tui sẽ đi chơi Trung Thu ở Sài Gòn, sẽ đi tới những nơi hay được nhắc đến nhưng phố lồng đèn Q5, hay là đi theo một đoàn lân nào đó tận hưởng, và có thể đặt vài phần bánh Trung Thu nhâm nhi cùng tách trà bên những người thân. Chắc cũng thú vị không kém đâu.