Một buổi tối nọ, gã trai làng lững thững đi kiếm gì để bỏ bụng sau một ngày mệt nhọc. Gã dừng chân ở một quán hủ tiếu lề đường nằm khiêm tốn giữa những quán nhậu ồn ào. Như thường lệ, “anh làm em tô hủ tiếu mì gói thêm da heo nha…”
Gã ngồi ăn và ngắm nhìn đường phố, gã nhìn dòng người qua lại mà đôi mắt cứ thi thoảng lại nhíu mày… Chắc có điều gì làm gã phải suy tư…
“Tôi muốn quên đi tháng với ngày
cha đi lượm quả ngọt rừng, cho con đỡ đói qua đêm
Tôi muốn quên đi – đối chân trần
Cha đi lượm, từng hạt thóc – cho con một bữa cơm chiều…”
Bỗng gã nghe thấy giọng hát của một anh chàng bán kẹo kéo nơi những quán nhậu ôn ào kia, gã cảm thấy phấn chấn hơn khi nãy. Anh chàng kẹo kéo vừa hát vừa đưa tay mời các thượng khách mua kẹo kéo ủng hộ. Một người lắc đầu, rồi hai người,… anh kẹo kéo vẫn hát. Anh băng qua phía gã, nơi chỉ có những người như gã mới chịu ngồi ăn hủ tiếu gõ.
Anh đưa kẹo kéo mời gã, gã hỏi:
“Bao nhiêu vậy em trai?”
“Dạ mười ngàn anh hai!…”
“Lấy anh một cây…”
Mặt anh chàng kẹo kéo có vẻ hơi buồn, có lẽ gã mua ít quá. Gã trai làng lúi húi móc ra tờ năm chục đưa anh chàng kẹo kéo: “Cứ giữ lấy tiền dư…”
Anh chàng kẹo kéo ngạc nhiên, chắc anh ta không nghĩ một kẻ nhìn “vã” như gã lại chịu bỏ là năm chục để mua cây kẹo mười ngàn. Không phải lần nào gã cũng mua, nhưng sự thật là đã hàng chục lần gã làm như thế… Và gã sẽ luôn như thế.
Gã trai làng không nhiều tiền để mua lấy cái trầm trồ của người dưng. Gã hiểu, mỗi ngày trôi qua, gã phải vật lộn với cuộc sống cũng chỉ để kiếm tiền rồi cuối cùng cũng đem cái đồng tiền ấy để mua lại sức khỏe, mua lại niềm vui, mua lại sự an nhiên… trong tâm hồn gã.
Anh chàng kẹo kéo khi nãy đơn giản là đã làm gã cảm thấy cuộc sống này còn nhiều thứ ý nghĩa, còn nhiều động lực để gã tiếp tục cày cuốc. Khi nghe hát, gã nhớ đến gia đình, nhớ đến cha mẹ gã khi xưa phải vất vả nuôi gã…
Quá dư để gã bỏ ra năm chục ngàn…
Tối Sài Gòn những cơn mưa bất chợt, anh chàng kẹo kéo vẫn cất cao giọng hát của mình!…
“Ôi, ngày tháng, đôi vai gầy – run run tựa vào hàng cây.
Ôi thời gian, hãy quên đi – đôi chân cồng kềnh
cha đi giữa rừng hoang vu.
Lưng cha thì đội nắng gầy
ôi tóc bạc tựa trăng soi,
cả cuộc đời và cả một đời – Đôi chân trần.”
Nguồn: Anh Phạm Gia Trang